Trà Xuân

Single Content

Trà Yabao là gì?

Trà Yabao

Tóm tắt. 

Yabao là tiếng Hoa (芽包) – có nghĩa là Nha Bao. “Nha” là cái mầm non mới nhú, “Bao” là cái vỏ bọc bên ngoài. 

Trong bài viết này, Yabao có nghĩa là loại trà được làm từ các búp cành – nghĩa là các búp non sau đó sẽ phát triển thành cành cây chứ không phải là lá cây. Trên thị trường có nhiều loại trà Yabao nhưng ở đây giới thiệu một loại trà hoang dã thuộc chi trà Camellia Crassicolumna ở vùng Qianjiazhai nằm Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ailao của Trung Quốc. Loại trà này không có caffeine hoặc theobromine, hai trong số các chất có trong trà truyền thống khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo, nhưng bù lại, nó lại có nhiều polyphenol và chất chống oxy hóa hơn – một chất có tác dụng làm cơ thể thư giãn.

---------------

Yabao là một loại trà có sức hấp dẫn lạ thường nhưng ít được biết đến. Có khi người ta gọi nó là Bạch trà (white tea), đôi lúc lại gọi là Phổ Nhĩ (pu’er tea). Mặc dù Yabao ngày càng nổi tiếng trong giới kinh doanh trà đặc sản nhưng dường như vẫn chưa đạt được sự thống nhất là cái gì thực chất tạo ra cái tên Yabao này. Loại trà độc đáo này thường thấy ở dạng búp nhỏ gọn, có vị ngọt dịu nhẹ và hương vị thanh tao.

Trong bài viết này, chúng ta tìm hiểu xem thuật ngữ “yabao” được gắn với bộ phận nào của cây trà. Ý kiến phổ biến nhất được biết đến và được chấp nhận của thuật ngữ “yabao” là nó được làm từ những búp cành – đó là những búp non đầu mùa về sau sẽ phát triển thành các cành cây, thay vì thành lá. Bất kỳ giống trà Camellia nào từ japonica trồng trong vườn nhà đến sinensis mà chúng tôi ưa thích cũng đều tạo ra búp cành “yabao” – chúng mọc ra từ thân cây và các nhánh chính và sau đó sẽ phát triển thành các cành nhánh nhỏ hơn.

Thậm chí, vẫn còn chưa có sự thống nhất về việc liệu Yabao có phải là cây trà hay không, hay nó là một giống cây khác. Sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ thực tế cùng một từ “Yabao” nhưng được nhiều người vừa dùng để mô tả về một bộ phận của cây trà (bất kỳ giống trà camellia nào cũng có), và đôi khi cũng được dùng để chỉ tên loài cây hoang dã có họ hàng gần với cây trà. Ở vùng Qianjiazhai của Trung Quốc, giống cây này thuộc chi Camellia crassicolumna.

Yabao là một trong những loại trà đầu tiên mà chúng tôi yêu thích. Vào năm 2010, chúng tôi đã không thể tìm thấy loại trà này tại Mỹ sau khi trở về từ Trung Quốc. Háo hức với việc chia sẻ trà Yabao chính là một trong những lý do đầu tiên khiến chúng tôi bắt đầu nhập khẩu loại trà này. Với sự trân trọng và hứng thú, chúng tôi đã đẩy sự quan tâm về trà Yabao lên một tầm cao mới bằng cách đặt ra các câu hỏi liên quan đến một trong những khu rừng trà cổ nhất và đa dạng nhất về mặt di truyền trên thế giới - Qianjiazhai. Chúng tôi muốn có câu trả lời cho các câu hỏi cứ dồn dập tới như sau:

Yabao là gì?

Nó được làm từ cây gì?

Tại sao nó có vị rất khác các loại trà thường gặp?

Đối với hầu hết những người làm trong ngành trà, Yabao là một trải nghiệm mới lạ hấp dẫn, nhưng đối với người dân địa phương ở Qianjiazhai trong khu rừng bảo tồn Ailao thì trà Yabao là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Từ lâu, người dân ở đây đã thưởng thức trà Yabao bên cạnh các loại trà truyền thống.

Trải qua mấy chuyến bay và thêm 20 giờ lái xe lên núi từ tỉnh Côn Minh, chúng tôi được người dân địa phương chào đón bằng những ly trà Yabao bằng thủy tinh bự chảng được pha bằng nước suối. Các búp trà Yabao này rất đa dạng và trông hoang dã so với loại trà Yabao mà chúng tôi đã từng bán.

Tại sao trà Yabao mà chúng tôi nếm thử ở Qianjiazhai trông rất khác so với bất cứ thứ gì chúng tôi từng thấy? Câu trả lời rất đơn giản: loại “trà” này đến từ một loài cây khác. Camellia là một họ thực vật khổng lồ, đa dạng về mặt di truyền, từ các bụi trà trang trí trong vườn (camellia japonica) cho đến các loại trà Trung Quốc truyền thống mà chúng ta biết và uống mỗi ngày (camellia sinensis var. Sinensis)

Về mặt khoa học:

Các giống cây thường được dùng để làm trà

Camellia sinensis var. sinensis là giống trà được trồng phổ biến nhất ở Trung Quốc. Nó phát triển dưới dạng cây bụi, không phải thân gỗ, có nhiều lá và dễ hái. Nó đã được lai tạo trong hàng ngàn năm thành các giống khác nhau. Bạn có thể quen thuộc với những cái tên như Thiết Quan Âm, Kỳ Lan hoặc Hoàng Kim. Đây là tất cả các giống trà được thuần hóa và nhân giống từ cùng một cây tổ thuộc họ Camellia sinensis var Sinensis.

Giống trà phổ biến thứ hai và được biết rộng rãi trên thế giới là Camellia sinensis var Assamica. Trong các nghiên cứu cho đến cuối năm 2002, Assamica đôi khi được giới thiệu một cách mơ hồ như là một loài riêng biệt với Camellia sinensis var. Sinensis, nhưng khoa học ngày nay cho thấy có mối quan hệ di truyền chặt chẽ giữa Assamica và Sinensis đến mức Assamica được coi là một giống hoặc là một phân loài của Camellia Sinensis.

Nghiên cứu ngày nay cho thấy cây trà đã trải qua nhiều lần phân chia gen rõ rệt – vào những thời điểm trong lịch sử ở những nơi mà sự khác biệt về mặt di truyền giữa các cây trồng được tạo ra do môi trường, do sự cô lập hoặc gần đây hơn là do sự can thiệp và cách canh tác của con người. Một trong những quan điểm gần đây là Assamica đủ khác biệt về mặt di truyền so với Sinensis để tách thành một phân loài. Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Assamica ở Trung Quốc và Ấn Độ trên thực tế có thể đã được thuần hóa vào những thời điểm khác nhau với cùng một giống trà từ vài ngàn năm trước. Ai biết? Một ngày nào đó chúng ta có thể nhắc đến 3 giống trà khác biệt là Camellia sinensis var. Sinensis Trung Quốc, Camellia sinensis var. Assmica Trung Quốc và Camellia sinensis var. Assamica Ấn Độ.

Thật thú vị khi “rơi xuống hang thỏ” và cố gắng đi đến tận cùng của lịch sử ngành trà và nguồn gốc của cây trà – bằng cách tìm hiểu và ghi lại làm thế nào nó phân nhánh thành sự đa dạng tuyệt vời như vậy - vì mục đích của chúng tôi là cần biết vừa đủ rằng có một sự khác biệt (cả di truyền và hình thái) giữa Assamica và Sinensis. Assamica có mặt khắp vùng Qianjiazhai dưới 3 dạng: được trồng, bán hoang dã và hoang dã. Nó cũng được trồng gần vùng Phổ Nhĩ của tỉnh Vân Nam ở độ cao thấp hơn. Hầu hết trà Phổ Nhĩ và và nhiều loại trà Vân Nam mà chúng ta quen uống là giống Assamica, không phải giống Sinensis.

Trà Yabao “búp trắng” của chúng tôi được làm từ giống Assamica, và đại diện cho dạng Yabao được công nhận rộng rãi nhất trên thị trường. Trà mà chúng tôi uống ở Qianjiazhai không phải là loại Yabao được làm từ giống Assamica. Thay vào đó, nó đến từ một loài hoang dã ít được biết có họ hàng gần với Sinensis có tên là Crassicolumna. Họ này không chỉ là phân loài, mà là một loài hoàn toàn khác: Camellia Crassicolumna.

Crassicolumna không được trồng trên quy mô rộng và chỉ phát triển ở một số vùng ở phía Đông Nam của tỉnh Vân Nam – trong đó Qianjiazhai và Khu bảo tồn thiên nhiên Ailao là nơi tập trung nhiều hơn. Bởi vì nó rất ít (ước tính khoảng 10.000 cá thể trưởng thành) nên hiếm khi thấy loại trà Crassicolumna trên thị trường.

Một giống trà khác mà thị trường quen thuộc hơn là Camellia Taliensis, cũng thường được gọi là trà “búp tím”. Giống Tensisensis phát triển cả dạng hoang dã và được trồng. Lá và búp của loại trà trồng có thể được ép thành bánh. Loài này cũng phát triển trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ailao, và cũng được thu hái và bán dưới dạng Yabao.

Tất cả các giống Assamica, Taliensis và Crassicolumna đều tạo ra búp cành “Yabao”. Mỗi loài có hình dáng rất khác nhau, mùi vị khác nhau, và thậm chí có các tính chất hóa học khác nhau về mức độ caffeine, theobromine và chất chống oxy hóa.

Về mặt hương vị

Đã có đủ các thông tin kỹ thuật - thế giới của Yabao đã mở rộng đối với chúng tôi trong chuyến đi cuối cùng đến Qianjiazhai khi chúng tôi nhận ra có bao nhiêu loại cây khác nhau có thể được dùng để làm loại trà Yabao mà chúng tôi yêu thích. Chúng tôi nghĩ, cách tốt nhất để xem xét sự đa dạng này sẽ là cùng lúc nếm thử tất cả các loại trà đó.

Hãy để hương vị bắt đầu!

Trà Yabao “búp trắng” giống Camellia sinensis var. Assamica

Chúng tôi muốn bắt đầu với trà “búp trắng” cổ điển – loại Yabao đầu tiên chúng tôi từng uống. Trà này rất đẹp, đầy những búp cứng và nhỏ gọn với hàng chục lớp. Một trong những cái làm chúng tôi yêu thích loại trà này là làm thế nào mà nó có thể luôn cho trà ngon mà không phụ thuộc thời gian ngâm dài hay ngắn.

Hương vị của trà này ngọt ngào như kẹo Marshmallows, mong manh với hậu vị của gỗ Tuyết tùng và một chút hương Quế, hoa Hồng và Vani. Cảm giác giống như một bữa tiệc ngoài vườn rừng. Nước trà gần như trong veo. Chúng tôi thậm chí đã ngâm trà đến 10 phút và có được một thức uống phong phú hơn nhiều với cùng hương vị ngọt ngào.

Trà Yabao “búp tím” – giống camellia taliensis

Thông qua bạn bè, chúng tôi đã chạm tay vào loại trà Yabao “búp tím” trên núi Ailao được làm từ giống Taliensis.

Sự khác biệt màu sắc của trà này so với loại trà “búp trắng” là rất lớn. Các búp có màu vàng cam với một chút màu tím. Mỗi búp cũng mảnh và xoắn hơn nhiều. Khi pha trà, búp vẫn đóng gói nhiều lớp thành từng cụm. Những búp trà trông hoàn toàn hoang dã so với những “búp trắng” đầy đặn và thanh lịch.

Hương vị của trà “búp tím” là thế giới khác biệt với trà “búp trắng”. Chúng tôi đã cảm nhận được rất nhiều hương vị của Lê và củ Sắn nước, kẹo Hoa hồng và cây Bách xù. Tuy nhiên, khi kéo dài thời gian ngâm thêm ba đến bốn giây, trà Yabao Taliensis trở nên cực kỳ đắng, sắc nét và có mùi gỗ. Việc pha trà này cảm giác giống như lần đầu tiên học pha trà - nó làm việc không giống như trà Assamica hay Sinensis khi pha bằng cốc sứ có nắp và đòi hỏi phải thử nhiều lần để có được ly trà ngon. Việc này thực sự giống như thử những cây dại trong rừng - thú vị và hơi nguy hiểm.

Trà Yabao Crassicolumna – giống Camellia Crassicolumna

Cuối cùng chúng tôi thử loại trà hấp dẫn đã phá vỡ sự hiểu biết của chúng tôi về những gì mà trà Yabao có thể mang lại. Các búp Yabao Crassicolumna rất lớn, xoắn dài và đầy màu sắc từ đỏ và vàng đến tím và trắng.

Những nước pha đầu tiên của trà Yabao Crassicolumna mang đầy hương vị mà chúng tôi đã biết và yêu thích khi thử ở Qianjiazhai – mùi Húng quế, Bách xù và Tuyết tùng.

Tuy nhiên, sự phức tạp và hương thơm đã không dừng lại ở đó. Chúng tôi còn thấy mùi vỏ Cam quýt, Sả và Hương thảo. Trong khi trà “búp trắng” và “búp tím” rất sắc nét, nhẹ nhàng và rõ ràng, thì trà Yabao này dày và nặng, gần như kem hoặc nước xuýt.

Khi ngâm trà đến vài phút, chúng tôi đã được thưởng một loại thức uống thậm chí còn phong phú và ngọt ngào hơn với hậu vị kéo dài suốt ngày. Có một điểm lạ đối với các loài Crassicolumna mà bạn không thấy ở trà của bất cứ nơi nào khác. Nó không giống như bất kỳ giống trà Assamica nào mà chúng tôi đã nếm từ cùng một khu vực, cả về hương vị và hiệu ứng của nó.

Mặc dù uống trà này vào ngày tối trời và mưa to, nhưng càng nhấm nháp thì chúng tôi càng cảm thấy lạc quan và dễ chịu hơn.

Hiệu ứng của nó không giống như phản ứng caffeine và L-theanine mà chúng ta đã biết rất rõ trong các loại trà ngon, vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu một chút về lý do tại sao Crassicolumna lại mang đến cảm giác khác biệt như vậy.

Camellia Crassicolumna và Caffeine

Tại sao uống trà Camellia Crassicolumna lại cảm thấy khác với uống trà truyền thống?

Chỉ một từ: Caffeine.

Mặc dù ban đầu được cho là có một lượng nhỏ caffeine, nhưng một nghiên cứu gần đây vào năm 2009 xác nhận rằng Camellia Crassicolmna không có caffeine hoặc theobromine, hai trong số các chất trong trà truyền thống khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo.

Mặc dù thiếu caffeine, C. crassicolumna có lẻ có nhiều polyphenol và chất chống oxy hóa hơn cả Sinensis hoặc Assamica. Chúng ta đã biết từ các nghiên cứu trước đó về caffeine và L-Theanine rằng các chất chống oxy hóa được chứng minh là có tác dụng thư giãn trong môi trường phòng thí nghiệm. Điều này có nghĩa Crassicolumna là một loại trà độc đáo không chứa caffeine mà vẫn có tất cả các lợi ích sức khỏe của trà, bao gồm cả tác dụng thư giãn.

Trà Yabao Assamica (“búp trắng”) có caffeine như trà Assamica khác, và trà Taliensis cũng có caffeine, nhưng ở mức thấp hơn. Thật thú vị khi tìm thấy mối quan hệ gần gũi giữa Crassicolumna với trà truyền thống: rất giống nhau về mặt hóa học nhưng lại thiếu một trong những yếu tố dễ thấy nhất làm nên trà.

Kể từ khi chúng tôi nếm thử Gan ​​Zao Ye, một loại trà thảo dược không chứa caffeine được sản xuất tại núi Lão Sơn ở Trung Quốc và được chế biến như trà xanh, chúng tôi đã rất quan tâm đến tác dụng của việc chế biến các loại thảo mộc khác như trà, và thậm chí tự hỏi liệu trà Gan Zao Ye sẽ có vị như thế nào khi được oxy hóa thành trà đen.

Thật kỳ lạ khi có một giống trà độc đáo hoàn toàn hoang dã mọc khắp Qianjiazhai và chỉ được thu hái những búp non đầu mùa mà sau này sẽ trở thành cành cây. Thế còn lá của chúng thì được dùng làm gì?

Hóa ra, trên thực tế chuyên gia Zhou và các đồng nghiệp của anh ấy ở Hợp tác xã Zhenyuan Dongsa đã hái lá trà Crassicolumna với số lượng hạn chế, và chế biến chúng giống như cách họ đã làm với các cây trà Assamica. Họ lấy khoảng một nửa số lá này và phơi khô thành loại trà Phổ Nhĩ “sống”. Phần còn lại, chúng được chế biến thành trà đen bằng cách chất đống để oxy hóa dưới ánh mặt trời trước khi rải mỏng ra phơi cho đến khô.

Trà Phổ Nhĩ “sống” Crassicolumna

Việc chế biến trà Phổ Nhĩ “sống” Crassicolumna hoàn toàn giống với trà Yabao Crassicolumna. Sự khác biệt duy nhất chỉ là dùng nguyên liệu là lá trà. Khi pha thì lá trà Crassicolumna dày hơn còn khi chưa pha thì  dài hơn, sẫm màu hơn và xoắn hơn.

Sự khác biệt về kết cấu sau khi pha giữa trà Yabao và trà Phổ Nhĩ “sống” tương tự như sự khác biệt giữa loại Bạch trà (Silver Needle White) thường gặp và Bạch trà Mẫu đơn (White Peony). Lá của trà Phổ Nhĩ “sống” đầy đặn hơn và sắc nét so với kết cấu mượt mà của búp trà.

Hương vị của trà Phổ Nhĩ “sống” gắt hơn nhiều với hương vị của đỗ tương miso, hạt vừng và lá nho. Khi trà được pha qua nhiều lần, chúng ta sẽ thấy mùi cỏ ba lá và mật ong. Khi trà được ngâm lâu, trà trở có hương sôi nổi và hương hoa quả với hương mía và khoai lang mà bạn có thể gặp trong món Rum Agricole.

Trà đen Crassicolumna

Sự khác biệt trong cách chế biến giữa trà đen và trà Phổ Nhĩ “sống” ở Qianjiazhai được giải thích rõ nhất bởi chính chuyên gia Zhou. Anh ấy và các gia đình khác trong Hợp tác xã sử dụng các kỹ thuật tương tự như cách mà anh ấy đã chia sẻ trong video này để làm trà đen Crassicolumna bằng cách phơi khô dưới nắng.

Trà này nổi bật về độ phức tạp và độ sâu của nó. Nước trà có màu hổ phách sâu, gần giống với màu của trà ô-long Rou Gui Wuyi hơn là trà đen. Nó có hương vị của hoa lá, nho ngọt và hậu vị của nó khiến chúng ta liên tưởng đến kẹo bông. Khi ngâm trà lâu, chúng tôi thấy có mùi Vải thiều, kẹo Hoa hồng, Mật ong và vỏ quả Dứa.

Khi chúng tôi ngâm lâu, loại trà ngọt ngào, thơm ngon và có hương vị hoa cỏ này vẫn không thấy được bất kỳ vị đắng nào. Thay vào đó, kết cấu ngon ngọt đã được thay thế bằng hương vị đầy đặn và sắc nét của trà Dian Hong Assamica truyền thống và hậu vị trở nên mát lạnh như Long não.

Vấn đề bảo tồn một nguồn tài nguyên quý giá

Sau khi uống các loại trà Crassicolumna đáng kinh ngạc như vậy, bạn có thể không giúp được gì nhưng ngay lập tức tự hỏi tại sao chúng lại không lan rộng hơn. Không nghi ngờ gì nữa, trà Yabao Crassicolumna là thứ thú vị nhất chúng tôi từng uống. Lần đầu tiên thử những loại trà này, chúng tôi muốn mua ngay hàng trăm pound mỗi loại trà độc đáo này để chống lão hóa và chia sẻ với những người yêu trà trên khắp thế giới.

Thật không may, Crassicolumna là một loài đang bị đe dọa.

Crassicolumna từng phát triển rộng khắp Qianjiazhai, nhưng khi những người bên ngoài vùng này nhận ra rằng nó đáng kinh ngạc đến mức nào thì nhu cầu trở nên tăng vọt. Những người ở bên ngoài và những người tìm cách kiếm tiền từ sở thích đang nổi lên này đã lẻn vào Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ailao vào ban đêm để hái trà Crassicolumna.

Thật không may cho cây trà và chính những kẻ hái trộm đó, cây trà Crassicolumna rậm rạp và cao lớn hơn nhiều so với cây  trà Assamica – cách đặt tên của loài cây này được ghép bởi từ “crassas” có nghĩa là “dày” và từ “columna” có nghĩa là “cao”. Với những cây hoang dã còn sót lại, ước tính hơn 1000 năm tuổi, vẫn có thể được tìm thấy trên khắp khu bảo tồn này với những thân cây to lớn vươn thẳng và cao ngút.

Những cây này gần như không thể hái nếu không có thang hoặc thiết bị leo chuyên dụng; các thành viên của Hợp tác xã ở đây đều biết chuyện một số bạn bè và người thân lớn tuổi của họ đã bị gãy tay chân hoặc thậm chí tử nạn khi cố gắng trèo lên những cây này hồi còn trẻ. Đã có kẻ hái trộm trà trong đêm bị tử vong do ngã từ những cây cao này.

Để tránh rủi ro vì té ngã hoặc lén trèo hái trong đêm, những kẻ hái trộm và những người không quan tâm đã làm đơn giản bằng cách đốn hạ những cây trà ngàn năm tuổi này để hái lá mà không cần suy nghĩ. Những cư dân địa phương đã tìm thấy những cây trà cổ bị chặt đổ và tuốt sạch lá.

Sau vài vụ như thế, số lượng trà Crassicolumna cổ thụ đã giảm đến mức đáng báo động.

Để đối phó với những hành động thái quá này, Chính phủ Trung Quốc đã nhảy vào và quy định việc thu hái trà Crassicolumna hoang dã là bất hợp pháp. Danh sách đỏ của tổ chức IUCN lưu ý Crassicolumna là một loài bị đe dọa và Chính phủ Trung Quốc đã đặt cây này dưới sự bảo vệ ở cấp quốc gia. Điều này rất hữu ích trong việc cung cấp cho người dân địa phương nguồn khí sạch và bảo vệ họ trong việc tái lập Crassicolumna một cách bền vững.

Trong vài năm qua, những người nông dân có sở hữu các cây trà Crassicolumna hoang dã đã cẩn thận lấy cành của chúng để giâm, rồi nhân ra hàng trăm cây con và trồng mới trong phần đất rừng mà họ được quyền khai thác. Những cây do người dân trồng mới này không thuộc nhóm hoang dã và được xem là tài sản của họ. Bằng cách này, một số nông dân đã có thể hướng tới việc tái lập một quần thể Crassicolumna và giúp đưa loài này hồi sinh trở lại trước nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, những người dân địa phương này có thể nhận được phần thưởng hữu hình từ những nỗ lực của họ hôm nay nhờ chính quyền Trung Quốc cho phép họ thu hoạch từ những cây trà mà họ trồng để phục vụ nhu cầu bản thân như đã làm trong quá khứ, hoặc để bán cho bạn bè và hàng xóm quan tâm.

Hy vọng trong năm mươi năm nữa, các đồn điền mới sẽ được thiết lập để Crassicolmna sẽ thoát khỏi nguy hiểm. Với những nỗ lực bảo tồn tận tâm, nhiều người sẽ được thưởng thức trà này mà không cần các hành động liều lĩnh và vô trách nhiệm như trong quá khứ.

Chúng tôi đã vô cùng may mắn khi được đến Qianjiazhai và gặp gỡ từng thành viên của Hợp tác xã này vào năm 2016 - ngay khi những cây Crassicolumna trồng mới đang được thu hoạch. Chúng tôi đã kết bạn được với nhiều người sẵn sàng bán một phần sản lượng mà họ không định giữ lại để dùng.

Toàn bộ thu hoạch của Hợp tác xã là ít hơn 10kg trà Yabao và chừng 10kg cho mỗi loại trà đen và  trà Phổ Nhĩ “sống” làm từ giống Crassicolumna. Chúng tôi may mắn ngoài mong đợi khi có được phần còn lại đáng kể của vụ thu hoạch này để chia sẻ cùng các bạn. Chúng tôi không biết liệu vào năm 2017 chúng tôi có thể có được loại trà này hay không, nhưng chúng tôi rất vui khi có cơ hội chia sẻ với nhiều người nhất có thể trong năm nay để mở rộng hiểu biết chung về trà Yabao và các loài Crassicolumna.

Hy vọng của chúng tôi là sự quan tâm của mọi người đến loại trà này sẽ phát triển đến mức truyền cảm hứng cho nhiều nhà thực vật học hơn đối với việc nghiên cứu về cây Crassicolmna, và tất cả sự đa dạng di truyền đáng kinh ngạc của các loại trà ở vùng Qianjiazhai. Càng có nhiều sự quan tâm của công chúng và càng có nhiều nghiên cứu được thực hiện, thì tất cả chúng ta càng có lợi. Nghiên cứu tốt hơn có nghĩa là nhiều kiến ​​thức hơn để mang đến các khía cạnh khác của trà. Ví dụ, Crassicolumna có thể lai tạo được với Sinensis không? Nó có thể đã được trồng ở Phúc Kiến, Ấn Độ hoặc Nhật Bản? Những giống hoang dã có họ hàng gần với loại trà này là một biện pháp bảo vệ di truyền đáng kinh ngạc đối với việc nghiên cứu và các chương trình nhân giống trong tương lai, và càng nhiều nghiên cứu được công bố mỗi ngày liên quan đến việc điều tra, lập danh mục và phân tích các mối liên hệ và tiềm năng của các mối quan hệ này. Crassicolumna càng được nói đến nhiều thì nó càng có thể được bảo vệ. Lịch sử của cây trà Qianjiazhai đang chờ được giải mã để chúng ta có thể định hình một tương lai tươi sáng, bền vững và đa dạng về mặt di truyền cho trà trong tương lai.

(Nguồn: A Closer Look: What is Yabao? Camellia Crassicolumna: Qianjiazhai's Wild-Type Yabao)

---------------------

Ở Việt Nam chỉ mới phát triển trà Yabao từ 2014, từ những phát hiện tình cờ của người dân Hà Giang với tên gọi là "trà móng Rồng" và "trà Tiên" - xem như món quà quý từ Tiên giới. Các loại trà "yabao" này cũng được làm từ 2 trong 3 giống quý hiếm như bài viết ở trên đề cập - https://traxuan.ucraft.site/ 

in mời xem trà Bạch Tiên và Long Tiên

Bài viết liên quan

Bài viết khác