Trà Xuân

Single Content

"ĐẠO" TRONG TRÀ VIỆT

Việt Nam được coi là cái nôi của cây chè. Phong tục uống trà và sự phát triển của cây chè Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc. Người Việt xưa dù sống trên núi cao, dưới đồng bằng châu thổ hay bên bờ biển, dù là người sang, kẻ hèn tất thảy đều giữ tập tục uống trà. 

Nhiều vùng đất Việt có phong tục uống chè tươi đặc sắc như Thanh Chương - Nghệ An, Đường Lâm - Sơn Tây, Hương Sơn - Hà Tĩnh...

Người Thanh Chương có tục uống chè xanh rất độc đáo là uống theo vòng. Hôm nay gia đình này nấu nước chè thì ngày mai gia đình khác nấu. Gia chủ khi nấu nước xong liền sai con trẻ đi gọi từng người xóm giềng một, hoặc bắc tay ra ngõ mà loa: “Bớ làng bớ nác, mời cả làng qua nhà tui uống một đọi nác” (uống một bát nước).

Bên bát nước chè xanh, người dân quê nói chuyện xóm giềng, mùa màng, cấy hái... tình làng nghĩa xóm nhờ thế mà thắt chặt. Ngày nay cuộc sống tất bật, cái thú uống chè xanh theo vòng, theo hội cũng dần biến mất. Một số cơ quan, công sở ở phía Bắc vẫn còn giữ tục nấu nước chè xanh để mọi người trong cơ quan cùng uống trong các buổi họp hành, thư giãn.

Sách xưa kể rằng nói đến nghệ thuật uống trà của người Việt thì không ai có nhã thú phong lưu này cao hơn chúa Trịnh Sâm (1739-1782). Chúa Trịnh Sâm đã tự biến mình thành trà nô, tự quạt nước, pha trà cho mình và các quần thần. Hay như Phạm Ðình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã nêu bật cái thú uống trà là ở chỗ “cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu nàng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, ấy người xưa ưa chuộng chè là vì vậy”.

Hơn 20 năm gắn bó với chén trà, với ông giáo Lư, văn hóa trà đầu tiên là một bộ môn về vệ sinh. Người ta không thể uống trà ở nơi nhơ bẩn. Ở Lư Trà Quán chỉ có vài ba chiếc bàn con, vài ấm trà dưới chân cầu thang nhưng thứ gì cũng sạch sẽ. Ngày hè, cụ Lư ngâm chén trong nồi nước sôi, ngày mùa đông cụ luộc chén trên bếp than, khi có khách tới mới vớt chén ra rót trà. Đó là cách giữ vệ sinh sạch sẽ và giữ cho chén trà nóng được lâu. Người ta kỵ nhất là tiếp khách bằng những chiếc tách hay chén còn ngấn nước trà cũ. Chén trà tiếp khách là thể hiện những tình cảm tôn trọng nhất, nên không thể tùy tiện dù ấm trà mời khách không thiết phải là loại trà thượng hạng.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng ở Việt Nam chỉ có tập quán uống - mời trà như một nghi thức giao tiếp, mà chưa có trà đạo như một tôn giáo theo đúng nghĩa trà đạo Nhật Bản. Trà đạo Nhật Bản có hẳn giáo chủ, giáo lý và thánh đường. Trung Quốc có Trà kinh của Lục Vũ như một bách khoa toàn thư mở về chè có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sau.

Việt Nam có tập quán uống trà không kém bề dày lịch sử nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nhận thức đầy đủ và thống nhất về nguồn gốc phát triển, nội dung và ý nghĩa của trà đạo. Người Việt Nam uống trà như một phong tục tập quán, tạo ra một khoảnh khắc thư giãn để tâm tĩnh lặng trong nhịp sống xô bồ. Như anh Hoàng Sướng, chủ Hiên Trà Trường Xuân (13 phố Ngô Tất Tố, Hà Nội), tâm sự: “Hơn mười năm gắn bó với trà Việt, tôi nhận ra một điều khách chỉ có thể đánh nhau, cãi vã hay nói tục trên bàn nhậu, chứ bên chén trà người ta không thể nói và nghĩ được chuyện gì ác. Đó phải chăng là cái đạo trong trà Việt”.

Ai níu hương trà phôi pha?

Có lẽ vì nhận ra điều ấy nên hơn mười năm nay sau rất nhiều khó khăn, anh Sướng đã thay đổi địa điểm quán đến ba lần, Hiên Trà Trường Xuân vẫn mở cửa và chỉ bán các loại chè Việt đặc sản như chè Tân Cương, chè Suối Giàng, chè ướp hương sen, hương nhài theo bí quyết gia truyền... Ba lần di dời quán, nhiều bạn trẻ mê trà Việt vẫn tìm đến với Hiên Trà Trường Xuân để thưởng thức một chén trà Việt, nghe anh Sướng kể chuyện văn hóa trà Việt.

Mấy năm trước đường phố Hà Nội tràn ngập biển vàng của trà Lipton, biển xanh của trà Dimah hay đèn lồng đỏ của những quán trà Đài Loan, Trung Quốc... Giữa những thương hiệu sắc màu ấy thì những Lư Trà Quán, Hiên Trà Trường Xuân hay Trà Việt Hiên Quán... trông khiêm nhường, nhỏ bé hơn để trà Việt đến với cuộc sống hiện đại.

Sau những câu chuyện về văn hóa trà Việt, PGS Đỗ Ngọc Quỹ trầm ngâm: “Từ khi Nhà nước rút kinh phí, Ngày hội chè Việt Nam không còn được tổ chức. Hình thức Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam (thành lập năm 1979), tiền thân của Tổng công ty Chè Việt Nam, tàn lụi dần, Viện Nghiên cứu chè Thanh Ba được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba đã bị xóa sổ, trụ sở cao ba tầng đồ sộ bị bỏ hoang rao bán không người mua phải sáp nhập với Trường Đào tạo công nhân chè Thanh Ba, trang thiết bị hoen gỉ không phát huy tác dụng trong nghiên cứu chè...”.

Từ ngày về hưu, GS Quỹ không còn tham gia hoạt động của Hiệp hội Chè Việt Nam, dù ông nhận được rất nhiều lời mời phát biểu và xây dựng ý kiến. Hiện GS Quỹ rút mình ra khỏi các hoạt động, ông chỉ viết sách, nghiên cứu về văn hóa trà Việt Nam. (Nguồn: https://tuoitre.vn/con-duong-tra-viet---ky-cuoi-dao-trong-tra-viet-465194.htm). 

Thăm gian hàng trà Xuân